"Độc, lạ"... cơm cúng tất niên
Ban ngày, trời Mộc Châu thường nắng nhẹ và se lạnh. Nhưng đêm đến, cái lạnh dường như "nặng đô" vì sương núi xuống. Không gì thích bằng việc được nhâm nhi rượu cần và ngồi nghe người già kể chuyện về tập tục đón tết xưa, nay.
Cũng như các dân tộc khác trên mọi miền đất nước, mâm cơm trong ngày Tết của người Thái được chuẩn bị kỹ càng và chu đáo. Tuy nhiên, dù có thay đổi nhưng mâm cơm cúng tết của dân tộc Thái vẫn giữ được nét cầu kỳ riêng biệt.
Thầy mo bản Áng, Hà Văn Nhanh kể rằng, xưa kia mâm cơm cúng trong ngày Tết của người Thái không thể thiếu các món ăn như cơm mới, cá đồ, cá chua, cơm đồ xôi trộn con cá, chuột khô, thịt hươu, nai khô, cơm cốm, măng khô... Riêng món thịt hươu, thịt nai thường có được nhờ săn bắn và chuẩn bị từ trước đó khoảng nửa tháng. Và theo phong tục xưa, đây là những món bắt buộc phải có trong mâm cỗ cúng Tết.
"Cỗ cúng có nhiều món lắm! Rất nặng, phải bê lên đặt xuống tới những 9 lần mới đặt được tới bàn thờ tổ tiên. Người Thái quan niệm, cỗ cúng tết phải đủ đầy, nhiều thịt, nhiều cá,... thì tiên tổ mới phù hộ cho làm nương được mùa, cái bụng no quanh năm" - ông Nhanh chậm rãi kể.
Theo tập tục, người Thái cúng tổ tiên từ 25 tháng Chạp tới hết ngày mùng 5 của năm mới. Xưa kia người Thái cúng tổ tiên bằng những sản vật săn bắn được, còn ngày nay dù không đổi nhiều nhưng cũng có vài điểm khác.
Vừa nhấp ngụm rượu cần, thầy mo Nhanh kể tiếp, "sau này, người Thái mới có tục gói bánh chưng và thường gói vào 29 Tết. Bánh chưng được gói thành hai loại đen và trắng. Để làm bánh chưng đen, dân bản đốt rơm lên, lấy tro giã lẫn gạo nếp rồi mới gói. Muốn bánh có màu đen đẹp bóng, ngay từ tháng 10 âm lịch, sau vụ gặt lúa mùa, người ta chọn nếp dẻo thơm nhất và rơm cọng to, có màu vàng ươm về cất sẵn.
Ngoài ra, trước khi gói bánh thêm ít hạt vừng xay nhỏ trộn vào để tạo vị đậm đà cho bánh. Thường thì bánh chưng của dân tộc Thái ít dùng nhân bởi họ quan niệm, "hương vị của tết ở trong bánh chưng chủ yếu thể hiện ở hương vị của nếp mới, rơm vàng và lá dong. Theo họ, đó là tinh hoa của thành quả lao động để dâng lên tổ tiên (ma nhà).
Tục đón giao thừa "Pông Chay"...
Tiếp lời thầy mo Nhanh, bà Đinh Thị Loan (vợ thầy Nhanh) vui vẻ kể lại, sau khi chuẩn bị tươm tất để đón Tết, người Thái sẽ cúng tất niên vào đêm 30. Người Thái có tục đón giao thừa "Pông Chay". Thường cả nhà không ai ngủ, đèn luôn sáng, hương nhang không được tàn. Cả nhà ngồi quanh bếp lửa, làm các loại bánh trái như bánh ít, bán rán, đồ cá, moọc, nạp... thỉnh thoảng chủ nhà lại đánh ba tiếng chiêng báo hiệu giờ giao thừa sắp đến.
Đúng giờ giao thừa, các loại bánh trái, xôi đồ, cá khô, xôi cốm,... hai cơi trầu (mỗi cơi 8 miếng); một ấm trà xanh, rót 8 chén rượu, tất cả được xếp vào thúng. Người vợ mở hòm lấy các loại vải thổ cẩm, khăn váy, quần áo mới, vòng tay, bạc nén... Những thứ đồ đó được đem đặt tại bàn thờ ma nhà. Khăn mũ chỉnh tề, chủ nhà kính cẩn đọc bài cúng "chào đón tổ tiên xuống tề tựu". Sau bài cúng, con cái trong nhà thay phiên nhau túc trực để tiếp đón tổ tiên - bà Loan kể tỉ mỉ.
Ngày nay, ở một số nơi tổ chức các hoạt động tập thể đêm giao thừa, có hoạt động văn hóa đã trở thành tập tục khá riêng biệt và độc đáo của người dân tộc Thái như hái hoa dân chủ. Hoạt động văn hóa này thường do đoàn thanh niên, có nơi do hội phụ nữ... tổ chức.
Một phong tục của người Thái không thể thiếu được trong sáng ngày mùng 1 đầu năm, đó là tục đi lấy nước ở suối về. Người Thái quan niệm rằng, nước là điều may mắn, đem lại sự sống, sự tốt tươi. Cả làng đi lấy nước nếu nhặt được đồ trong khi đi lấy nước thì họ cho là may mắn và vui mừng mang về nhà.
Thi công sơn 24h cung cấp dịch vụ thi công sơn uy tín chất lượng chuẩn Singapore, bền đẹp, bảo hành lâu và giá thành cạnh tranh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét